Một học sinh giỏi văn và xinh đẹp bây giờ theo nghề y. Còn em, bây giờ nghiên cứu lịch sử. Và điều bất ngờ, em mang đến buổi gặp mặt của khóa là cuốn tản văn DÒNG SÔNG HOÀI NIỆM của em. ” em yêu thơ mà không làm thơ hay được “, ” cô có thích đi các đền chùa quanh Hà Nội không? Em sẽ đến đón cô đi cùng em nhé…”Và cả buổi tối ríu rít cô trò qua điện thoại. Các em không dừng lại là học trò của tôi cách đây gần 40 năm nữa. Lớp học trò này đã lớn lắm rồi. Tôi có thêm những người bạn gần gụi, cảm thông để sẻ chia các trang viết. Và đây 1 tản văn, trong những tản văn viết về HÀ NỘI mà cô học trò của tôi trăn trở yêu thương
Đi giữa làng cổ không còn dấu tích của ngôi đình cổ, tường của câu lạc bộ cao chót vót, khung nhôm cửa kính áp sát đình, bức bối mắt, phảm cảm tâm linh…ngửa cổ lên chỉ thấy trời và nóc nhà lợp tôn oxnam của dân làng lô xô cao thấp. Cổng làng tu tạo lại, nhưng đường bê tông thay đường gạch cũ chạy xuôi thoai thoải về cuối làng… không một bóng cây xanh trên đường. Ôi, cái làng nằm dưới chân đê , mặt đê là phố Yên Phụ, mà tôi đã bao lần qua phố từ thuở tóc đuôi gà, lên ô Yên Phụ, ngắm dòng sông hoa chảy từ Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, vào nội thành và chợ hoa Hàng Lược, cũng đã bị khai tử như làng hoa Nghi Tàm mấy chục năm rồi. Tôi chợt nhớ lần tôi đến nhà nghệ nhân Lê Hữu Quyết, bàn tay vàng trồng hoa, cây cảnh của Nghi Tàm, nhớ giọng nói xót xa của ông khi tiễn tôi: làng cũng mất tên hàng nghìn năm rồi cháu ạ, người ta gọi là cụm dân cư chứ có gọi tên làng nữa đâu. Còn cái làng cổ này của Thạch Lam, thì biến thành cụm dân cư số 4. Tôi nhớ nhất những buổi sớm đi lễ chùa Trấn Quốc, nhìn qua Hồ Tây sương khói, sóng gợn ánh bạc, thấy rặng cây ven bờ hồ phía làng Yên Phụ như phủ tấm voan mỏng xanh thẫm. Và khách sạn Thắng Lợi thanh nhã như con tàu trắng trên mặt hồ xanh mênh mông. Và những hoàng hôn bơi thuyền, ngắm trăng đầu tháng như chiếc liềm bạc trôi trên trời xanh trong pha ráng tím hồng, xa xa, đèn đánh cá tôm của dân làng Yên Phụ như những con mắt thức, lấp lánh, tươi vui sức sống… như lạc vào chốn thần tiên giữa lòng Hà Nội cuả tôi, của bạn…
Hôm nay, giữa lòng làng cổ lên phường, ông cụ đi hướng dân du lịch cho tôi là dân Yên Phụ đời thứ 11, vốn là cánh kỹ thuật xây dựng nhưng rất mê văn hóa làng, chỉ cho tôi thấy đâu là nhà của Thạch Lam, đâu là Vườn táo, ao Vả…đình cổ 300 tuổi thờ Thành Hoàng Uy đô Linh Lang của làng ông thành cái đình 6 tuổi… Tất cả đầu đao, cốn, chạm bong tuyệt kỹ của kiến trúc mỹ thuật đình thời Lê biến mất nhờ mấy ông trùng tu”hóa phép. Trơ ra những nét chạm thô, quá đơn giản…trên đầu cốn… dân làng xót xa thì đã thành chuyện đã rồi. Nghề làm hương nổi tiếng một thời khắp Bắc kỳ, không còn ai làm. Những chú cá vàng, cá thần tiên, cá kiếm, tôi mê mẩn ngắm các chú ở phiên chợ Mơ, chính là do dân Yên Phụ nuôi giống cá cảnh, giờ thì còn vài gia đình nuôi, nhập giống Trung Quốc, Singapo…Bách bộ một vòng quanh làng cổ, ngọn gió hào phóng mát lành của Hồ Tây khiến tôi tĩnh tâm lại…Yên Thái, Nghi Tàm,Yên Phụ… những làng cổ, phường cổ ven hồ Tây, trong đó, ngôi đình là linh hồn của làng, là vốn di sản, là bảo tàng sống của cha ông để lại, đã được nhân dân gìn giữ, truyền trao từ đời này sang đời khác 10 thế kỷ qua. Vậy mà vài thập kỷ gần đây, một số nơi người ở trên về đại trùng tu đình cũ nát, vốn quý báu đó biến mất chỉ trong chớp mắt so với chiều sâu của nền văn hiến Thăng Long- Hà Nội
Quen mà lạ, lạ mà quen, mà đau…Chiều Yên Phụ nắng non trải lấp lánh trên mặt gương Tây Hồ, đứng ở bất kỳ góc nào của con đường uốn quanh ao Vả của làng, vẫn chỉ thấy mái ngói đỏ au của ngôi đình như máu của Uy đô Linh Lang đại vương đang chảy