Tác giả “Đàn bà xấu thì không có quà” và “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” nói với PV Lao Động, sau khi lên tiếng từ chối bằng khen của Hội Nhà văn VN 2012 đã khiến cái tên Y Ban trở thành “tâm điểm của dư luận”.
– Tới lúc này, chị nghĩ hành động của chị là bất thường hay bình thường (theo như nhận định của nhà văn Đình Kính – người phát ngôn cho Hội Nhà văn VN trong cuộc này), hoặc trong nhận định của đàn ông nói chung: “I am đàn bà” thì bao giờ chả… lắm chuyện?
– Đúng, nếu mình cho nó là bình thường, thì cũng là rất đỗi bình thường, vì đến giải Nobel mà còn có người cả gan từ chối thì sao! Nhưng nó cũng lại hết sức bất thường ở chỗ: Giải thưởng của một hội nghề nghiệp, với gần 1.000 hội viên, có thể coi như “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, sang trọng lắm chứ, nhiều người mong lắm chứ! Vì nó là cả một sự đánh giá của những người được coi là có “mắt xanh” kia mà? Vậy sao mâm cơm bày ra, lại không có người đến ăn? Cỗ làng mà không có người ăn với người Việt mình là quá bất thường rồi!
– Đặt giả thiết, nếu như không phải “Thành phố đi vắng” mà là “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” đoạt giải, thì chị có nghĩ mâm cơm ấy có người ăn hay không?
– Nếu bảo tôi bình luận về “Thành phố đi vắng” lúc này, thì tôi sẽ không. Ngay cả khi có người hỏi tôi: “Y Ban làm thế chẳng hóa ra “đánh” Thu Huệ à?”. Nhưng nếu làm lại từ đầu, tôi vẫn giới thiệu cho cuốn của Huệ (nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ), khi NXB cũng như tác giả của nó đã không tự gửi đến.
– Nhưng có phải chính vì “một miếng giữa đàng”, mà chị cũng đã không đủ can đảm từ chối tham gia giải, khi đồng thời là ủy viên Hội đồng văn xuôi? Điều mà dư luận từng cười mỉa khi cuốn “Thương lượng với thời gian” của ông Chủ tịch Hội Nhà văn đoạt giải?
– Đúng là với kết quả chung cuộc như đã thấy, tôi cũng đã phải tự đặt giả thiết: Nếu như tôi không phải là uỷ viên Hội đồng văn xuôi, thì liệu tác phẩm của tôi có vào được đến vòng chung khảo hay không? Và tương tự, nếu như tác giả “Thành phố đi vắng” không phải là 1 trong 15 vị ủy viên BCH? Nhưng kể ra thì trong chuyện này, cũng có một chút khó xử thật! Vì mỗi nhiệm kỳ là 5 năm, trong 5 năm ấy, ông/bà ủy viên ấy không thể không viết được vì nói gì thì nói, trước hết họ vẫn phải là một nhà văn. Nên không thể bắt họ nhịn viết, nhịn dự giải được, nếu như tác phẩm của họ thực sự đáng tầm. Có chăng, điều cần có ở đây là tự người viết, cũng như chính hội đồng ấy, càng cần phải khắt khe với tác phẩm ấy hơn, một khi tác giả của nó đang ngồi trên chính cái ghế “nhạy cảm” đấy.
Với tác giả “Thương lượng với thời gian”, nếu là trong tư cách một nhà thơ, thì tôi lại kính trọng. Còn với tác phẩm dự giải năm nay của mình, tôi nghĩ mình hoàn toàn có đủ tự tin, bằng vào những phản hồi tích cực từ báo giới và bạn đọc, cũng như quyết tâm lột xác của chính người viết nó.
– Được biết trước khi bỏ phiếu, mọi người cũng đã đưa các tác phẩm ra thảo luận. Có vẻ cũng “dân chủ” đấy chứ?
– Nhưng vấn đề là khi vào đến chung cuộc thì có rất nhiều chuyện “trời ơi”: Chẳng hạn như nhà thơ lại đi chấm văn xuôi, hay thậm chí, còn chưa kịp đọc cuốn nào trong số ấy, hoặc bao năm nay, chả thấy viết lách gì. Thế thì chấm kiểu gì! Trong khi, nếu tự trọng ra thì nên biết rút trước khi được đặt vào cái ghế không hợp với mình như thế! Chấm văn kiểu gì mà cứ chốc chốc lại dặn nhau: Cẩn thận be bé cái mồm, chứ thông tin này mà rò rỉ ra ngoài là nó “thù” mình đến tận xương tận tủy! Chưa kể, còn là tư duy già cỗi, nên cái sự đọc nhau lúc này quả là khó khăn thay!
– Vậy tóm lại – theo chị – ai là người khó “có quà” trong cuộc này?
– Những người không giỏi quan hệ. Các cụ bảo rồi: “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Người VN mình duy tình. Các nhà văn VN lại còn duy tình hơn thế. Nên, chỉ cần tí quen biết, là xong!
– Chị chả quen biết bao nhiêu đấy thôi, vì còn đồng thời làm báo?
– Thì có thể vì thế, tác phẩm của Y Ban mới vào được đến chung khảo và có thể vào được đến đấy rồi thì tôi lại thành người xa lạ!
– Với những bất cập và bất công – theo như chị nói ở trên – chị có nghĩ rằng đây cũng có thể là một “trò chơi hủy diệt cảm xúc”?
– Chính hắn! Và muốn cảm xúc không bị hủy diệt thì mới cần có người lên tiếng
(nguồn http://laodong.com.vn/)