nhớ một chốn Thiền – Nguyễn Hồng Sinh

Chợt phát hiện một cảnh thiền đích thực: bên bờ giếng, gốc bàng cổ thân đã rỗng mà hồn không mục, nhựa sống vẫn đẩy lên một cành non, trên đó hai con nhái bén đang tìm nhau, bước chân gấp gáp, họng căng phập phồng, mắt ướt long lanh. Chỉ cho sư chú, cùng nhau cười thật trần tục…
một đêm Thiền không quên, bỗng gặp entry bằng hình của cô Kim Anh, cũng là duyên dẫn.

Hai năm rồi vẫn không quên đêm ấy, cái đêm một đứa trẻ gắn bó sâu nặng với quê hương Nam Định mà qua tuổi 50 mới thật sự bước vào không gian của ngôi chùa tháp cổ đã bao đời được chọn làm biểu tượng của quê nhà. Chùa tháp Phổ Minh đêm rằm tháng giêng Tân Mão như tách khỏi những ồn ào chen lấn của đêm lĩnh ấn đền Trần, khách thập phương lao vào cuộc chen giành chức tước và mưu lợi, đẩy nhau ngã xuống ruộng lầy trước đền Trần, chen nhau trèo qua tường vây, dẫm đạp trước sân đền Cố Trạch, trèo lên đầu nhau trước cung Trùng Hoa. Dòng người ồn ào nhưng vô cảm lạnh lùng di vào đêm rằm những vệt âm thanh nhức nhối, điểm thêm vào đó là tiếng loa oang oang của cò mồi những đám bạc bịp trải kín bên đường. Vậy mà trong chùa tháp vẫn giữ được thâm nghiêm, cảm nhận có lẽ xá lị của Điều ngự giác hoàng an trên đỉnh bảo tháp và tượng chân thân Ngài bình thản nằm thiền nơi hậu điện đã tỏa thiền quang đẩy lùi hết bụi trần. Lần bước ra sau chùa, đắm mình vào tĩnh lặng của một làn khói hương lặng lẽ nơi mấy ngôi cổ tháp, ngồi xuống bậc đá ao chùa hút một điêu thuốc, lắng nghe tiếng ếch nhái, côn trùng, cảm nhận tiếng lá tre khô nhẹ rụng, khói thuốc quyện khói hương ngấm vào tâm trí, nhẹ hẫng lòng quên hết mọi nỗi đời. Quay lại sân chùa chợt gặp góc vườn cây hoa mộc đơm những chấm trắng li ti lặng lẽ sau một đóa trà e ấp cánh, lẫn trong mưa bụi, khói hương. Bước vào bên giá khánh, giá chuông, vỗ nhẹ lòng tay, áp tai đón lấy những tiếng ngân thoáng như sợi tơ lan tỏa trong tâm. Tự tin bước ra đường sang đền Trần lúc này đã đỡ cảnh chen chúc, đi một vòng bái vọng trong khoảng sân ngổn ngang những chiếc giầy bết bùn, chờ kiệu rước ấn hồi cung Cố Trạch. Tiếng trống, tiếng loa, tiếng chũm chọe rời rạc, mệt mỏi theo bước chân mấy trai làng nhợt nhạt, lại thấy cảnh lao đầu vào nơi mũi kéo cắt dây thao cột hòm ấn để lấy lộc, đuổi theo nhau để cướp lộc. Quay về chùa giờ đã vắng lặng, tới trước tháp Phổ Minh khấn đức Điều ngự xin tá túc qua đêm rồi dựa lưng vào trụ đá thiếp ngủ trong mưa bụi vẫn giăng bay. Chợt tỉnh khi nghe bước chân sư chú, cùng đàm đạo về những trụ đá trước tháp. Sư chú nói theo ý các nhà khoa học tại hội thảo của tỉnh hội phật giáo đó là chỗ các ngài ngồi thiền. Thầm nghĩ chắc các vị xem phim chưởng Kim Dung nhiều lại mang sẵn giấc mơ hoằng dương Thiền Việt nên nhầm trụ đá kê chân cột của một kết cấu kiến trúc cũ thành chỗ người ngồi. Nhưng không sao vì trong không gian ấy ai cũng có quyền mơ, Đức Điều ngự dựng thiền tông trúc lâm chắc cũng bởi muốn tìm con đường mau rũ được trói buộc của nghi lễ đời thường để hòa vào bản ngã tự nhiên, giải phóng chân tâm. Chợt phát hiện một cảnh thiền đích thực: bên bờ giếng, gốc bàng cổ thân đã rỗng mà hồn không mục, nhựa sống vẫn đẩy lên một cành non, trên đó hai con nhái bén đang tìm nhau, bước chân gấp gáp, họng căng phập phồng, mắt ướt long lanh. Chỉ cho sư chú, cùng nhau cười thật trần tục. Thanh thản lại bước khỏi cổng chùa, như có người dẫn lối cứ cắm cúi trong mưa giăng mà lần đầu băng qua hương Trần Thương, gặp lại Thành Nam cũ như ngày nào, kỷ niệm tuổi thơ gội trong veo đầu óc. Thanh thản sống tới rằm tháng Giêng sau.

Bài này đã được đăng trong BẠN VĂN. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s