Mới ngày nào năm ngoái vừa được đọc VIẾT CHO MÌNH thì giữa hè oi ả năm nay lại được đọc CỎ DẠI KHỜ. Thế đủ biết chị cần mẫn lắm, gắng gỏi lắm, mong hiến cho đời những vần thơ đẹp. Chị vẫn đi tiếp cái mạch thơ mà chị đã đi đằm thắm, nhẹ nhàng, ân tình, đôi khi bứt phá nhưng rồi lại trở về với chân nữ tính của riêng mình
Trong CỎ DẠI KHỜ không thấy có bài vui mà hình như ở tập thơ này chị lại có ý tham thiền. Không thế sao chị viết
Sinh ra để nợ cho đời
Trả vào cửa Phật trọn đời thân tâm
( rũ thu choàng áo)
Bài Ta tìm mình có thể coi là một bài triết lý bằng thơ về cõi sắc sắc không không. Nhưng có lẽ, chị chỉ muốn thể nghiệm những gì chị đã cảm nhận được trong cõi đời này. Bằng chứng là trong nhiều bài thơ, chị luôn hướng tới đời, hướng tới con người của hôm nay. Chính vì thế, đứa con dạ CỎ DẠI KHỜ không bị yếu đi so với đứa con so VIẾT CHO MÌNH. Chị vốn tài hoa với thể thơ lục bát truyền thống, nhưng một trong số bài thơ hay trong tập thơ này lại là bài thơ phá cách, tung tẩy – bài Cho một cuộc tình. Mối tình Thị Nở – Chí Phèo ai chả biết, nhưng mấy ai viết được như chị
Năm ngày năm đêm
Sống cho một đời
Yêu cho trọn kiếp
Tưới đẫm đam mê
Lại hành hạ khát thèm
Tôi mong người đời tìm đọc bài Thay cho lời ru để biết tấm lòng của một người mẹ đối với đứa con gái bé bỏng mà trong đời nó có một người con trai đến rồi ra đi lặng lẽ. Chị cảm thấy bất lực, đớn đau, nhưng rồi chị biết tìm cho con một lời ru ánh sáng
Hãy ngủ đi non nớt của mẹ ơi
Nụ hôn tình yêu sẽ gắn lành nỗi đau nức nở
Có một chàng trai đến tìm con hen mai còn đến nữa
Mẹ đi lau chiếc gương nơi sáng nắng nhà mình
Đọc thơ BKA ít bóng dáng của những miền quê nơi chị đã đi qua. Tìm mãi trong tập mới thấy một bài viết về xứ Huế, nhưng không hiểu sao bài này không gây được ấn tượng. Chắc sở trường của chị là làm những bài thơ đi vào cõi sâu thẳm của tâm hồn. Hình như chị cũng cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó trong những trang thơ của mình và chị đã viết thành một bài thơ thật hay
Người ta đi đông đi tây
Còn tôi quanh lại ở ngay xó nhà
Những chỉ lo việc đàn bà
Tứ thơ eo hẹp trong ba chuyện đời
Vu vơ chiều để nắng rơi
Xe lơ đễnh chở lẻ loi cái buồn
Tôi đi đón ngọn gió nồm
Đường Cổ Ngư phủ hoàng hôn xuống hồ
Tôi đi như trong cơn mơ
Thèm khoảng đất lạ để thơ lạc vào
Tôi chỉ là kẻ ước ao
Yếu chân chẳng vượt nổi rào mà bay
Tôi cũng là một trong những người thừa nhận cái gốc của thơ là sự hướng nội, hướng vào tâm khảm chân thiện mỹ của chính mình. Nhưng không hiểu sao khép lại trang thơ của chị tôi vẫn cứ ao ước. Với tư cách một nhà thơ, chị vốn giàu đôi con mắt ( nói theo cách nói của Xuân Diệu), giá như chị thêm vào trang thơ của mình chút bóng non sông nơi chị từng sống, từng đi qua – tất nhiên chị phải cảm nhận, phải phổ vào đó tâm hồn thi sĩ – thì chắc chắn chị sẽ có thêm mùa thơ, thêm được lời đồng vọng.
40 bài thơ xinh xắn xuất bản lần này hợp trong cái tên chung CỎ DẠI KHỜ là minh chứng cho sự vượt lên, vượt cả chính mình. CỎ DẠI KHỜ là cách nói khiêm nhường, thi sĩ. Với những ai tri kỷ, tri âm nó còn là thảo dược quý
THẾ GIỚI TRONG TA số 28/1996